Luật sư cho tôi hỏi: Vợ chng tôi đã ly hôn, tôi và vợ có 1 đứa con trai, tuy nhiên, khoảng 1 tháng nay, vợ tôi lấy lý do là con đi học thêm hoặc đi chơi thể thao và nhất quyết không cho tôi gặp con. Bây giờ tôi phải làm sao? Xin cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. IPL xin phúc đáp câu hỏi của bạn như sau:

Theo như bạn trình bày thì 2 bạn đã ly hôn, hiện nay vợ bạn đang trực tiếp nuôi dưỡng con chung. Tuy nhiên, sau khi ly hôn thì bạn vẫn có những quyền và nghĩa vụ nhất định với con chung. Không ai có quyền ngăn cản những quyền đó của bạn, kể cả vợ đã ly hôn. Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Theo đó, bạn hoàn toàn có thể đến thăm con mà không ai được cản trở vì đây là quyền lợi của bạn. Tuy nhiên nếu bạn có một trong những hành vi lạm dụng việc thăm nom con để gây cản trở hoặc ảnh hưởng đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con chung thì bạn sẽ bị Toà án hạn chế quyền thăm nom, trong trường hợp này, vợ bạn cũng không được quyền cản trở mà chỉ được yêu cầu Toà án hạn chế quyền mà thôi.

Theo khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định rằng: “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Vợ bạn hiện tại đang trực tiếp nuôi con không có quyền cản trở bạn đến thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung và hành vi này là vi phạm quy định của pháp luật.

Để đảm bảo quyền và lợi ích, trước hết bạn và vợ có thể thoả thuận lại với nhau về việc thăm nom con chung, còn nếu không thể thương lượng giải quyết được với vợ thì bạn có thể khởi kiện ra Toà án yêu cầu người đang trực tiếp nuôi con là vợ bạn không được cấm đoán, cản trở bạn thăm con. Hoặc bạn có thể tố cáo hành vi cản trở quyền thăm con tới cơ quan công an hoặc Uỷ ban nhân dân để cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính theo quy định. Mức phtaj có thể từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng được quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi đối với trường hợp của bạn. Nếu còn điều gì thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật.